Một cụ ông 82 tuổi ở Vĩnh Phúc vừa được cứu sống thần kỳ sau khi ngừng tim hai lần do nhồi máu cơ tim cấp – một trong những bệnh lý nguy hiểm bậc nhất ở người cao tuổi. Vụ việc xảy ra vào chiều 15/4/2025 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, nơi cụ nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội - dấu hiệu dễ bị bỏ qua của căn bệnh nhồi máu cơ tim cấp, căn bệnh có thể cướp đi sinh mạng chỉ trong phút chốc.
*CVCM: BSCKII. Cao Việt Cường – Trưởng khoa Can thiệp tim – Mạch máu
Một cụ ông 82 tuổi ở Vĩnh Phúc vừa được cứu sống thần kỳ sau khi ngừng tim hai lần do nhồi máu cơ tim cấp – một trong những bệnh lý nguy hiểm bậc nhất ở người cao tuổi. Vụ việc xảy ra vào chiều 15/4/2025 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, nơi cụ nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội - dấu hiệu dễ bị bỏ qua của căn bệnh nhồi máu cơ tim cấp, căn bệnh có thể cướp đi sinh mạng chỉ trong phút chốc.
Khẩn trương cứu sống người bệnh ngừng tim 2 lần trong thời gian ngắn
Đầu giờ chiều ngày 15/4/2025, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, các đã bác sĩ nhanh chóng tiếp nhận một trường hợp cấp cứu tim mạch vô cùng hi hữu, đòi hỏi sự tập trung cao độ và huy động nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Cấp cứu, Tim mạch can thiệp để cứu sống người bệnh. Cụ ông P.A.P, 82 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, trước khi kịp tiến hành các bước thăm khám chuyên sâu, người bệnh bất ngờ ngừng tim ngay tại quầy tiếp đón khoa Cấp cứu, khiến toàn bộ khu vực lập tức chuyển sang chế độ báo động đỏ.
Nhận thấy dấu hiệu ngừng tuần hoàn, đội ngũ bác sĩ khoa Cấp cứu lập tức tiến hành hồi sức tim phổi ngay tại chỗ. Phép màu đã xảy ra khi chỉ sau vài phút nỗ lực, tim người bệnh đập trở lại. Tuy nhiên, sự nguy hiểm vẫn chưa qua đi: người bệnh vẫn đang trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp - một căn bệnh có thể cướp đi sinh mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ngay lập tức, người bệnh được chuyển gấp đến khoa Can thiệp tim mạch, nhưng trong quá trình di chuyển, người bệnh đã ngừng tim lần thứ hai. Không chần chừ, các bác sĩ và nhân viên y tế tiếp tục ép tim, sử dụng thuốc vận mạch và áp dụng hồi sức tích cực để khôi phục nhịp tim.
Tại phòng can thiệp, ê-kíp can thiệp tim mạch đã nhanh chóng tiến hành chụp mạch vành và đặt stent để tái thông mạch máu bị tắc nghẽn hoàn toàn. Chỉ vài phút sau, vùng cơ tim đang thiếu máu đã được tái tưới máu giúp phục hồi chức năng tim, cứu người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Sau một tuần điều trị tích cực, người bệnh P. đã hồi phục ngoạn mục, tự thở, ăn uống bình thường và được xuất viện trong niềm vui vỡ òa của gia đình và đội ngũ y tế. Ca bệnh này là ví dụ điển hình cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ, giúp giành lại sự sống cho người bệnh trong thời khắc quyết định.
Sự phối hợp nhịp nhàng - yếu tố then chốt quyết định thành công
Thành công trong ca cấp cứu cho người bệnh P. là một câu chuyện thực tế về hiệu quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa trong tình huống khẩn cấp. Khoa Cấp cứu đã kịp thời phối hợp với khoa Can thiệp tim – Mạch máu để rút ngắn tối đa thời gian vận chuyển và xử trí. Trong suốt quá trình di chuyển, ê-kíp cấp cứu vẫn liên tục theo dõi sinh hiệu và chủ động can thiệp khi người bệnh ngừng tim lần hai.
Khi người bệnh đến phòng can thiệp, đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên đã được huy động sẵn sàng, nhanh chóng tiến hành chụp mạch vành và đặt stent tái thông mạch máu bị tắc nghẽn hoàn toàn. Toàn bộ quy trình được thực hiện khẩn trương và chính xác, mang lại kết quả ngoài mong đợi. Sau một tuần điều trị tích cực, người bệnh đã hồi phục tốt, tự thở và ăn uống bình thường, trước khi được xuất viện trong tình trạng ổn định.
BSCKII. Cao Việt Cường, Trưởng khoa Can thiệp tim – Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, nhấn mạnh: “Nhồi máu cơ tim cấp là một cuộc chạy đua với thời gian. Mỗi phút trôi qua, hàng triệu tế bào cơ tim có thể chết đi nếu không được tái tưới máu. Trường hợp của người bệnh P. rất nguy kịch vì ngừng tim hai lần, nhưng nhờ vào sự phối hợp nhanh chóng và chuyên nghiệp giữa các khoa, chúng tôi đã giành lại sự sống cho người bệnh.”
Nhồi máu cơ tim cấp - “Kẻ giết người nhanh chóng” cần được nhận diện sớm
Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi một nhánh mạch vành, mạch máu cung cấp oxy cho tim – bị tắc nghẽn hoàn toàn, thường do cục máu đông hình thành trên mảng xơ vữa. Nếu không được can thiệp kịp thời trong “thời gian vàng” dưới 120 phút, vùng cơ tim thiếu máu sẽ hoại tử, dẫn đến rối loạn nhịp tim, sốc tim, ngừng tim và có thể tử vong. Một số triệu chứng cảnh báo sớm bao gồm:
- Đau tức ngực sau xương ức, lan lên vai trái, cánh tay hoặc hàm
- Khó thở, cảm giác nghẹt thở, vã mồ hôi lạnh
- Buồn nôn, chóng mặt hoặc ngất xỉu
Đặc biệt, người cao tuổi hoặc người có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, ít vận động có thể không nhận ra các triệu chứng hoặc nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác, gây khó khăn trong việc phát hiện sớm.
Khuyến cáo từ chuyên gia tim mạch: BSCKII. Cao Việt Cường – Trưởng khoa Can thiệp tim - Mạch máu chia sẻ:
Nhồi máu cơ tim cấp là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm, và việc nhận diện sớm là rất quan trọng. Nếu gặp phải triệu chứng đau ngực, đặc biệt là những cơn đau kéo dài hoặc có sự lan tỏa ra vai trái, cánh tay, hàm, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế có khả năng can thiệp tim mạch.
Ngoài ra, những triệu chứng như khó thở, nghẹt thở, vã mồ hôi lạnh, buồn nôn, chóng mặt hoặc ngất xỉu đều có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt, người cao tuổi hoặc những người có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu hoặc ít vận động cần đặc biệt cảnh giác, vì họ có thể không nhận thức được các triệu chứng hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Tôi khuyến cáo tất cả mọi người, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, nên chủ động khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về tim mạch và kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Ngoài ra, việc tuân thủ đúng chế độ điều trị các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng tim mạch nghiêm trọng và giảm thiểu nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.