Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được chăm sóc đúng cách. Ngoài việc điều trị y tế, dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quyết định giúp trẻ nhanh hồi phục, duy trì cân nặng và sức khỏe.
*Bài viết do khoa Dinh dưỡng tham mưu thực hiện
Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được chăm sóc đúng cách. Ngoài việc điều trị y tế, dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quyết định giúp trẻ nhanh hồi phục, duy trì cân nặng và sức khỏe.
Khi bị tiêu chảy, trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ:
-
Mất nước và điện giải: do đi ngoài nhiều lần, cơ thể nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu nước;
-
Suy dinh dưỡng: vì giảm ăn, giảm hấp thu, mất dưỡng chất;
-
Biến chứng nặng: như nhiễm trùng, trụy tim mạch, thậm chí tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Hiểu rõ các nguy cơ này giúp cha mẹ không chủ quan và chủ động bù đắp dinh dưỡng cho trẻ.
-
Cho trẻ ăn và uống như thế nào khi bị tiêu chảy?
Khi bị tiêu chảy, trẻ dễ mất nước và suy dinh dưỡng, vì vậy cha mẹ cần chú ý cả chế độ ăn và uống cho trẻ:
-
Bù nước và điện giải: Pha dung dịch Oresol đúng hướng dẫn (mỗi gói với 200 ml hoặc 1000 ml nước đun sôi để nguội), cho trẻ uống từng thìa nhỏ (trẻ nhỏ) hoặc từng ngụm (trẻ lớn), và chỉ dùng trong vòng 24 giờ sau khi pha;
-
Thực phẩm nên cho trẻ ăn: Các món mềm, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như gạo, khoai tây, sữa công thức giảm lactose (nếu bác sĩ chỉ định), sữa chua, dầu thực vật, rau củ (cà rốt, bí đỏ, rau xanh) và trái cây mềm (chuối, táo). Tùy theo tuổi và thói quen của trẻ để điều chỉnh khẩu phần phù hợp;
-
Thực phẩm cần tránh: Không cho trẻ ăn thức ăn quá ngọt, nhiều chất béo, nước ngọt công nghiệp, rau thô (măng, rau cần), ngô, đỗ… vì chúng khó tiêu và có thể làm tình trạng nặng hơn.
-
Nguyên tắc cho trẻ ăn khi bị tiêu chảy: không cắt giảm, không kiêng khem
-
Dù bị tiêu chảy, trẻ vẫn cần ăn đủ và đa dạng để duy trì sức khỏe, không nên giảm khẩu phần, không nên ép trẻ nhịn bú hay kiêng ăn;
-
Với trẻ bú mẹ, tiếp tục cho bú bình thường, thậm chí có thể tăng cữ bú;
-
Với trẻ đã ăn dặm, nên cho trẻ làm quen lại dần với các loại thức ăn như trước, ưu tiên món mềm, dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ để tránh kích thích ruột;
-
Sau khi khỏi bệnh, nên bổ sung thêm 1 bữa mỗi ngày trong 2 tuần để trẻ nhanh chóng phục hồi cân nặng.
-
Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ em
-
Cần thực hiện việc ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;
-
Không ăn thức ăn để quá 6 giờ trong nhiệt độ phòng, đặc biệt vào mùa hè;
-
Sử dụng nguồn nước sạch;
-
Xử lý phân-nước-rác hợp vệ sinh;
-
Cảnh giác với thức ăn đường phố;
-
Thường xuyên rửa tay bằng xà bông với nước sạch, nhất là trước khi ăn; trước khi chăm sóc bé, cho bé ăn; sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh.
Nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài quá 3 ngày, kèm theo các dấu hiệu như mệt mỏi, lừ đừ, bỏ bú hoặc không uống được, khát nhiều, mắt trũng, da khô, tiểu ít… đó là những cảnh báo trẻ đang mất nước nghiêm trọng hoặc gặp biến chứng nguy hiểm. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời. Sự quan tâm và xử trí đúng lúc của cha mẹ không chỉ giúp trẻ nhanh hồi phục mà còn bảo vệ an toàn sức khỏe và sự phát triển của trẻ về lâu dài.
Hồng Nhung