Rối loạn đông máu nguy hiểm như thế nào?
Đông máu là một cơ chế tự nhiên và rất quan trọng của cơ thể giúp cầm máu khi mạch máu bị tổn thương. Quá trình này diễn ra nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa tiểu cầu và các yếu tố đông máu là những protein đặc biệt trong máu, nhằm tạo ra cục máu đông tại vị trí chảy máu, ngăn ngừa mất máu quá nhiều.
Tuy nhiên, khi cơ chế đông máu hoạt động không bình thường, ví dụ như quá yếu khiến máu không đông lại, hoặc quá mạnh gây hình thành cục máu đông bất thường, thì được gọi là rối loạn đông máu. Đây là tình trạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Rối loạn đông máu bao gồm 2 nhóm chính:
-
Chảy máu kéo dài do máu khó đông (ví dụ: bệnh Hemophilia – máu khó đông bẩm sinh, bệnh Von Willebrand).
-
Tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc mạch, có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi.
Dấu hiệu thầm lặng của rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu có thể diễn tiến âm thầm, nhưng mỗi chúng ta nên đặc biệt lưu ý các dấu hiệu sau:
-
Chảy máu cam thường xuyên, khó cầm.
-
Dễ bầm tím, bầm lan rộng dù chỉ va chạm nhẹ.
-
Chảy máu chân răng, chảy máu kéo dài sau nhổ răng.
-
Phụ nữ kinh nguyệt ra nhiều bất thường.
-
Chảy máu kéo dài sau tiêm, phẫu thuật hoặc chấn thương nhỏ.
-
Đau, sưng và đỏ ở tay, chân – có thể là dấu hiệu cục máu đông.
-
Trong trường hợp nặng: xuất huyết não, tiểu ra máu, xuất huyết nội tạng…
Nguyên nhân gây ra rối loạn đông máu
Rối loạn đông máu xảy ra khi có quá ít tiểu cầu hoặc giảm chức năng của tiểu cầu, hoặc thiếu hụt các yếu tố đông máu. Dưới đây là những nguyên nhân chủ yếu gây ra rối loạn đông máu:
-
Di truyền: Hemophilia A/B, thiếu yếu tố đông máu (VIII, IX), bệnh Von Willebrand.
-
Do bệnh mắc phải: bệnh gan mạn tính, ung thư, nhiễm trùng huyết, lupus, suy tủy, sử dụng thuốc chống đông không kiểm soát…
-
Thiếu vitamin K: yếu tố quan trọng để sản sinh các protein đông máu.
-
Tác dụng phụ của thuốc: thuốc chống đông, aspirin, thuốc hóa trị…
Đối Tượng Nào Cần Làm Xét Nghiệm?
Xét nghiệm đông máu có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán những bất thường về đông máu, nhằm giúp bác sĩ đánh giá tình trạng đông máu trên cơ thể bệnh nhân và thời gian diễn ra quá trình đông máu.
Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm xét nghiệm đông máu đối với những trường hợp sau đây:
-
Khi cơ thể có vết thương gây chảy máu nhưng lại không cầm máu được.
-
Xuất hiện những vết bầm bất thường, có độ ấm hơn các vùng da khác.
-
Xét nghiệm đông máu ở những bệnh nhân đang sử dụng thuốc kháng đông để chỉnh liều thuốc.
-
Làm xét nghiệm đông máu để đánh giá tình trạng bệnh nhân có đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật hay không.
-
Các yếu tố đông máu được tạo ra bởi gan. Chính vì vậy, xét nghiệm máu đông giúp đánh giá chức năng gan.
-
Khi có các dấu hiệu chảy máu cam, chảy máu nướu răng, chảy máu khớp, suy giảm thị lực, có máu trong phân,… cũng được chỉ định làm xét nghiệm đông máu để kiểm tra.
Từ những kết quả kiểm tra đông máu các bác sĩ sẽ có kết luận chính xác về từng trường hợp khác nhau, có phác đồ điều trị bằng các loại thuốc đặc trị và điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù giúp cải thiện tình trạng đông máu bất thường.
Phòng ngừa và cải thiện bệnh rối loạn đông máu
-
Chủ động lắng nghe cơ thể: Đừng xem nhẹ những triệu chứng như dễ bầm tím, chảy máu lâu cầm, hoặc kinh nguyệt kéo dài bất thường. Đây có thể là dấu hiệu của rối loạn đông máu.
-
Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc: Đặc biệt là các thuốc có ảnh hưởng đến cơ chế đông máu như Aspirin, thuốc chống đông hoặc các loại thảo dược chưa rõ nguồn gốc, nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
-
Tầm soát sớm nếu có yếu tố nguy cơ: Những người có tiền sử gia đình bị rối loạn đông máu nên xét nghiệm, kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm các bất thường về đông máu.
-
Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như các loại hạt đậu, cá, dầu oliu, các loại trái cây đặc biệt là lựu, kiwi…
-
Hạn chế các loại thức ăn nhanh chứa các chất béo có hại. Tăng cường vận động luyện tập thể thao thường xuyên.
-
Khi phải làm việc ngồi lâu một chỗ nên dành một ít thời gian để co duỗi các khớp và đi bộ một vòng trước khi tiếp tục công việc.
-
Đến cơ sở y tế kịp thời: Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ như chảy máu không rõ nguyên nhân, sưng đau đột ngột chi dưới (có thể là cục máu đông), nên đến ngay bệnh viện để được kiểm tra và xử lý đúng cách.
Tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc, các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị rối loạn đông máu đã được triển khai hiệu quả, kết hợp giữa xét nghiệm chuyên sâu và điều trị cá thể hóa theo từng nguyên nhân. Người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ nên đến khám sớm để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Tác giả: Hà Trang