*CVCM: ThS Trừ Văn Trưởng – Trưởng khoa Đột Quỵ
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận trên 200.000 ca đột quỵ, và gần 50% trong số đó tử vong hoặc sống đời thực vật vì không được cấp cứu đúng cách hoặc đến bệnh viện quá muộn.
Trong cuộc chạy đua với thời gian, sơ cứu đúng và đưa người bệnh đến cơ sở y tế trong "khung giờ vàng" (3 – 4,5 giờ đầu) chính là “chìa khóa vàng” để giữ lại mạng sống và khả năng hồi phục cho người bệnh bị đột quỵ.
Nhận biết nhanh các dấu hiệu đột quỵ
Khi một người có dấu hiệu bất thường, phản xạ đầu tiên của chúng ta thường là hoang mang hoặc cố chờ người bệnh “tỉnh lại”. Tuy nhiên, với đột quỵ, thời gian chính là não. Việc phát hiện sớm và hành động kịp thời có thể giúp người bệnh phục hồi gần như hoàn toàn, nhưng nếu chậm trễ chỉ vài giờ, hậu quả có thể là di chứng suốt đời.
Để giúp người dân dễ ghi nhớ và áp dụng trong các tình huống khẩn cấp, các chuyên gia y tế trên toàn thế giới đã xây dựng quy tắc BEFAST – một quy tắc đơn giản, hiệu quả, dễ thực hành giúp nhận diện những dấu hiệu đặc trưng nhất của đột quỵ. Mỗi chữ cái đại diện cho một dấu hiệu quan trọng:
-
B – Balance (Thăng bằng): Mất thăng bằng, chóng mặt đột ngột
-
E – Eyes (Mắt): Mờ mắt, mất thị lực 1 hoặc 2 bên
-
F – Face (Khuôn mặt): Méo miệng, liệt một bên mặt
-
A – Arms (Cánh tay): Yếu, tê hoặc không nâng được một bên tay
-
S – Speech (Lời nói): Nói ngọng, nói khó, không hiểu lời nói
-
T – Time (Thời gian): Hãy gọi 115 ngay lập tức nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào
5 bước sơ cứu đột quỵ tại nhà: Càng sớm, càng sống
Khi nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, điều quan trọng nhất là hành động nhanh - đúng - đơn giản. Dưới đây là các bước sơ cứu đã được bác sĩ khuyến cáo:
-
Gọi cấp cứu 115 ngay lập tức: Đừng cố tự lái xe hoặc đợi người bệnh hồi tỉnh. Hãy gọi chuyên môn, càng sớm càng tốt.
-
Đặt người bệnh nằm nghiêng an toàn: Nằm nghiêng sang một bên để tránh sặc nếu bệnh nhân nôn ói. Nới lỏng quần áo, giữ không khí thông thoáng để hỗ trợ máu lưu thông lên não.
-
Tuyệt đối không cho ăn uống hay dùng thuốc: Dù khát hay mệt, không được cho người bệnh ăn uống, nguy cơ sặc rất cao do rối loạn nuốt. Không tự ý cho dùng thuốc hạ áp, dầu gió, sữa, đường…
-
Theo dõi nhịp thở và trấn an người bệnh: Hãy giữ sự bình tĩnh, động viên người bệnh và theo dõi nhịp thở đều đặn cho đến khi nhân viên y tế đến nơi.
-
Ghi nhớ thời điểm khởi phát triệu chứng: Mốc thời gian là cơ sở để bác sĩ quyết định hướng điều trị. Nếu có thể, hãy ghi lại các biểu hiện ban đầu.
Những sai lầm cố hữu khi sơ cứu đột quỵ
Trong lúc hoảng loạn, người nhà thường vô tình mắc sai lầm, tưởng là cứu người, nhưng lại khiến tình hình nguy cấp hơn.
-
Chích máu đầu ngón tay, cạo gió, xoa dầu gió: Đây là những mẹo dân gian không có giá trị y khoa, có thể gây nhiễm trùng hoặc trì hoãn việc cấp cứu.
-
Cho uống nước, sữa, thuốc hạ áp: Người đột quỵ thường mất khả năng nuốt, việc ép uống dễ gây sặc đường thở, tụt huyết áp sai mức, ảnh hưởng điều trị.
-
Đấm lưng, kéo tay, đỡ dậy đi lại: Người bệnh có thể mất kiểm soát vận động, dễ té ngã hoặc làm tổn thương não trầm trọng hơn.
-
Chậm trễ gọi cấp cứu vì còn "xem xét thêm": Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là sinh mạng. Đừng đánh cược tương lai người thân bạn chỉ vì một phút chần chừ.
Sơ cứu đột quỵ tại nhà là kỹ năng cần thiết cho mỗi người, đặc biệt là khi đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ và gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách. Nắm vững cách nhận biết dấu hiệu và thực hiện sơ cứu đột quỵ sẽ giúp tăng cơ hội sống và giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh.
Với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc luôn sẵn sàng đồng hành cùng người dân trong công tác tư vấn, tầm soát và điều trị đột quỵ kịp thời, hiệu quả.
Khoa Cấp cứu và khoa Đột quỵ của Bệnh viện đã và đang không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, phối hợp chặt chẽ để tiếp nhận và xử trí các ca đột quỵ cấp cứu trong “giờ vàng”, mang lại cơ hội phục hồi cao nhất cho người bệnh. Nếu phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ, hãy gọi cấp cứu 115 hoặc đưa đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc càng sớm càng tốt để được can thiệp y tế kịp thời. Đột quỵ không chừa một ai, nhưng chúng ta có thể cứu sống nhau bằng kiến thức đúng đắn và hành động nhanh chóng.
Tác giả: Hà Trang