Suy tim ảnh hưởng đến hơn 64 triệu người trên thế giới và là nguyên nhân nhập viện hàng đầu ở người trên 65 tuổi. Tại Việt Nam, sự gia tăng các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường khiến số ca mắc suy tim ngày càng nhiều. Dù tiến triển âm thầm, suy tim có thể gây suy giảm chức năng sống nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
CVCM: ThS.BS. Nguyễn Thị Bích Hằng – Phó trưởng khoa Nội tim mạch
Suy tim ảnh hưởng đến hơn 64 triệu người trên thế giới và là nguyên nhân nhập viện hàng đầu ở người trên 65 tuổi. Tại Việt Nam, sự gia tăng các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường khiến số ca mắc suy tim ngày càng nhiều. Dù tiến triển âm thầm, suy tim có thể gây suy giảm chức năng sống nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
1. Suy tim là gì?
Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp biểu hiện bởi các triệu chứng như khó thở, phù ngoại vi, mệt mỏi, tim đập nhanh hồi hộp, thở nhanh, ho nhiều,… gây ra bởi các bất thường về mặt cấu trúc và chức năng tim dẫn tới giảm cung lượng tim, tăng áp lực trong buồng tim lúc nghỉ ngơi hoặc khi gắng sức.
Suy tim không đồng nghĩa với “tim ngừng hoạt động”, mà là tình trạng tim hoạt động yếu đi, làm máu lưu thông kém, gây ứ dịch, mệt mỏi và khó thở cho người bệnh.
Suy tim là bệnh lý tim mạch có tốc độ gia tăng nhanh nhất, tỉ lệ mắc tăng dần theo tuổi. Mặc dù việc điều trị tích cực giúp cải thiện tỉ lệ sống còn, tuy nhiên tiên lượng chung vẫn rất nặng nề với tỉ lệ tử vong trong 5 năm lên đến 50%. Nguyên nhân tử vong trong suy tim có thể do những đợt cấp suy tim tiến triển hoặc các rối loạn nhịp nguy hiểm. Tỉ lệ tái nhập viện hằng năm lên đến 50% và đưa đến gánh nặng bệnh tật cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của mỗi quốc gia.
2. Triệu chứng của suy tim
Các triệu chứng của suy tim có thể tiến triển âm thầm, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác hoặc bị bỏ qua, đặc biệt ở người lớn tuổi. Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo phổ biến:
- Khó thở: Là triệu chứng điển hình, xuất hiện khi gắng sức, khi nằm đầu bằng, hoặc vào ban đêm (phải ngồi dậy để thở);
- Mệt mỏi, yếu sức: Do máu không được bơm đủ đến các cơ quan khác;
- Phù: Thường gặp ở chân, mắt cá chân, bụng – biểu hiện của ứ dịch;
- Tăng cân nhanh: Do tích nước trong cơ thể (có thể tăng 2–3 kg trong vài ngày);
- Ho khan kéo dài, khò khè, đặc biệt về đêm: Do ứ dịch phổi;
- Ăn uống đầy bụng chậm tiêu: Do ứ dịch ở gan;
- Đau tức ngực, mạch nhanh hồi hộp, tụt huyết áp…
Việc nhận diện sớm các triệu chứng này giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ nhập viện và tử vong.
3. Nguyên nhân gây suy tim
Suy tim không phải là một bệnh độc lập mà thường là biến chứng hoặc hậu quả lâu dài của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó phổ biến nhất là:
🔹 Tăng huyết áp (huyết áp cao kéo dài): Làm tim phải hoạt động liên tục với áp lực cao, gây dày thành tim, giảm tính đàn hồi và dần suy yếu chức năng bơm máu;
🔹 Bệnh mạch vành: Là nguyên nhân hàng đầu gây suy tim ở người lớn tuổi. Tắc nghẽn động mạch vành gây thiếu máu cơ tim, hoại tử mô cơ tim (còn gọi là nhồi máu cơ tim), làm giảm khả năng co bóp tim dẫn tới suy tim;
🔹 Bệnh van tim: Van tim bị hẹp hoặc hở làm rối loạn dòng máu trong tim, buộc tim phải co bóp nhiều hơn, lâu ngày dẫn đến suy;
🔹 Rối loạn nhịp tim: Tim đập quá nhanh (như rung nhĩ) hoặc quá chậm, gây giảm hiệu quả bơm máu;
🔹 Các nguyên nhân khác như:
- Bệnh cơ tim (bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim amyloid, bệnh cơ tim phì đại);
- Bệnh tim bẩm sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì giai đoạn cuối cũng sẽ biểu hiện suy tim;
- Tác dụng phụ của một số thuốc điều trị ung thư gây độc với tim cũng sẽ dẫn tới suy tim.
4. Đối tượng nguy cơ và các yếu tố thúc đẩy
🔸 Đối tượng nguy cơ cao:
- Người cao tuổi (trên 60 tuổi);
- Người mắc bệnh mạn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành;
- Người từng bị nhồi máu cơ tim;
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch;
- Phụ nữ sau mãn kinh (giảm estrogen, tăng nguy cơ bệnh tim).
🔸 Các yếu tố thúc đẩy và làm nặng thêm suy tim:
- Nhiễm trùng cấp (viêm phổi, cúm...);
- Rối loạn điện giải, mất nước, thiếu máu;
- Tăng huyết áp không kiểm soát;
- Không tuân thủ điều trị, ngừng thuốc đột ngột;
- Dùng thuốc không phù hợp (NSAID, corticosteroid...);
- Lạm dụng muối, rượu bia, thuốc lá.
5. Quản lý, điều trị và phòng ngừa suy tim
5.1. Quản lý ngoại trú người bệnh suy tim mạn
- Người bệnh được chẩn đoán xác định suy tim, làm rõ nguyên nhân, phân giai đoạn và đánh giá mức độ nặng của suy tim.
- Các yếu tố nguy cơ và yếu tố thúc đẩy suy tim mất bù được kiểm soát hoặc loại bỏ kịp thời.
- Người bệnh được quản lý chặt chẽ bằng phác đồ điều trị với các thuốc “tứ trụ” trong suy tim, nhằm mục đích cải thiện chức năng tim và giảm triệu chứng.
- Bác sĩ khám, tư vấn đầy đủ cho người bệnh về cách theo dõi tiến triển bệnh, tuân thủ điều trị và các biện pháp quản lý suy tim lâu dài.
5.2. Mục tiêu điều trị suy tim
- Giảm tỉ lệ tử vong
- Giảm tỉ lệ tái nhập viện
- Cải thiện triệu chứng
5.3. Dự phòng suy tim:
Suy tim hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống lành mạnh. Dưới đây là các biện pháp chính:
- Kiểm soát huyết áp, đường huyết, cholesterol đều đặn bằng cách đo định kỳ và dùng thuốc theo đúng chỉ định;
- Ăn uống lành mạnh: giảm muối (dưới 2g/ngày), hạn chế chất béo bão hòa, tăng rau xanh, cá, trái cây tươi;
- Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần (đi bộ, yoga, bơi lội…);
- Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia;
- Giảm cân nếu thừa cân – béo phì;
- Khám sức khỏe định kỳ, nhất là người có bệnh nền hoặc tiền sử tim mạch để kịp thời phát hiện các bất thường cấu trúc chức năng tim để điều chỉnh kịp thời tránh dẫn tới hậu quả suy tim sau cùng.
Suy tim là một bệnh lý mạn tính nghiêm trọng, thường tiến triển âm thầm và dễ bị bỏ sót ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng sống và giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về các dấu hiệu sớm, yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa suy tim là hết sức cần thiết – đặc biệt trong bối cảnh dân số già hóa nhanh như hiện nay. Chủ động bảo vệ trái tim chính là đầu tư cho sức khỏe lâu dài và một cuộc sống bền vững.
Hồng Nhung